Hiện tượng nứt tường hay răn nứt chân chim khi công trình đã hoàn thiện sơn nước và đưa vào sử dụng là rất phổ biến. Nó gây ra mất thẩm mỹ cũng như nguyên nhân cho việc thấm tường sau này. Nhiều công trình Chủ đầu tư và nhà thầu khá lúng túng không rõ nguyên nhân tại sao lại có hiện tượng trên. Việc xử lý hiện tượng trên rất mất thời gian và chi phí.
Sau đây chúng ta hãy cùng Xây dựng Winta tìm hiểu nguyên nhân và biện pháp ngăn ngừa, khắc phục vấn đề này.
Trong bài viết này chúng tôi loại bỏ nguyên nhân do kết cấu yếu gây ra, vì nếu là nguyên nhân này thì quá rõ ràng. Chúng tôi chỉ phân tích ở khía cạnh công trình đảm bảo về mặt kết cấu.
Nứt chân chim tường là gì?
Vết nứt chân chim trên tường là một loại vết nứt nhỏ, có hình dạng ngẫu nhiên chi chít giống như chân chim, thường xuất hiện trên bề mặt tường sau một thời gian sử dụng. Đây là một vấn đề phổ biến trong xây dựng và có thể do nhiều nguyên nhân như vật liệu không đảm bảo, thi công không đúng kỹ thuật, hoặc tác động của lực cơ học và nhiệt độ. Để xử lý vết nứt chân chim, cần phải xác định nguyên nhân cụ thể và áp dụng các biện pháp sửa chữa và bảo dưỡng tường đúng cách.
Nguyên nhân tường bị nứt chân chim?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xuất hiện nứt chân chim trên tường. Dưới đây là một số nguyên nhân tường bị nứt chân chim phổ biến nhất mà bạn nên lưu ý:
Thời tiết: Sự thay đổi nhiệt độ và độ ẩm có thể ảnh hưởng đến cấu trúc của bề mặt tường. Khi nhiệt độ tăng cao, tường sẽ giãn nở, và khi nhiệt độ giảm xuống, tường sẽ co lại. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột và lặp đi lặp lại có thể khiến tường nhà bị nứt.
Độ ẩm: Độ ẩm trong không khí cũng có thể ảnh hưởng đến tường. Độ ẩm cao có thể khiến tường bị phồng lên lớp sơn tường sẽ dễ bị bong tróc, trong khi độ ẩm thấp có thể khiến tường co lại. Những thay đổi này có thể dẫn đến việc hình thành các vết nứt chân chim.
Môi trường xung quanh: Mưa lớn có thể làm cho lượng nước thấm vào tường quá nhiều, gây ra tình trạng ẩm ướt. Ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào tường cũng có thể làm tường nóng lên và sinh nhiệt co giãn nở không đồng đều, sau đó co lại khi nhiệt độ giảm xuống. Cả hai yếu tố này đều có thể góp phần vào việc hình thành các vết nứt.
Biện pháp ngăn ngừa giảm thiểu nứt chân chim tường
Sau đây là một số kinh nghiệm thực hiện công trình mà Xây dựng Winta thực hiện để ngăn ngừa nứt chân chim tường. Các biện pháp ngăn ngừa phòng tránh trong lúc thi công cần chú ý:
Kỹ thuật tô tường:
- Lời khuyên nên sử dụng cát sạch và cát hạt lớn cho việc tô tường. Thường vữa tô sử dụng cát hạt mịn sẽ dễ nứt tường hơn cát hạt to.
- Cấp phối vữa tô thường sử dụng Mác M75, lưu ý tránh xúc xẻng cát vào cối trộn vì sẽ không chắc chắn đảm bảo đồng đều cấp phối. Yêu cầu xúc vào xô sơn 18L đong đủ cấp phối. Tránh tình trạng mác vữa không đều, mác cao và mác thấp.
- Chiều dày lớp tô không quá dày cũng không quá mỏng. Yêu cầu: chiều dày lớp tô > 1cm và < 2.5cm. Thường chuẩn nhất là quanh 1.5cm. Điều này được chứng minh ở thực tế các công trình, khi việc tô các bản chỉ trang trí (thường dày trên 3cm) đã bị nứt đại đa số. Nên chú ý các bản chỉ tô phải có biện pháp thực hiện cẩn thận.
- Tường gạch phải tưới ẩm trước khi tô.
- Vữa tô trộn phải sử dụng hết, không lưu trữ vữa trộn quá lâu trong cối trộn rồi mới tô. thời gian vữa tô sử dụng trong vòng 30 phút.
- Các vị trí giữa 2 lớp vật liệu khác nhau phải sử dụng lưới thép gia cường chống nứt. Lưu ý nên sử dụng 1 lớp tô mỏng kết nối rồi mới đóng lưới và tiến hành tô lớp hoàn thiện.
- Đối với tường ngoài: khuyến cáo sử dụng Sika Latex pha vào nước để trộn vữa tô. Sika Latex là phụ gia chống thấm cũng là phụ gia kết nối, giúp cho tường ngoài được liên kết và chống thấm tốt.
Kỹ thuật cắt tạo khe giãn nở tường:
Tất cả các vật liệu đều chịu tác động về nhiệt độ, và hoạt động theo cơ chế " nóng thì giãn ra" "lạnh thì co lại". Điều đó chúng tỏ bức tường sẽ chuyển vị theo biên độ nhiệt. Biên độ nhiệt càng lớn thì chuyển vị càng lớn và khả năng nứt tường càng cao.
Theo nguyên lý đó thì việc chia nhỏ khu vực lớp vữa tô có thể giảm thiểu sự chuyển dịch do nhiệt độ gây ra. Câu hỏi đặt ra: " tại sao đại đa số công trình tại Việt Nam lại không sử dụng kỹ thuật này?"
Câu trả lời là vì họ xem nhẹ việc nứt chân chim, và một phần họ nghĩ đơn giản là việc làm này không có tác dụng.
Tuy nhiên với khí hậu càng ngày càng khắc nghiệt tại Việt Nam, biên độ nhiệt cực kỳ lớp thì việc áp dụng khe co giãn cho tường tô là có cơ sở các nhà thầu nên áp dụng.
Hiện nay, theo Xây dựng Winta tìm hiểu thì đã có thanh uPVC tạo khe co giãn áp dụng vào xây dựng, nên chỉ việc đặt thanh co giản tại vị trí cần đặt rất tiện lợi cho việc thi công.
Các khe co giãn nên bộ trí các vị trí cạnh cửa, các mảng tường lớn ...
Bảo dưỡng tường tô trát:
- Bảo dưỡng tường sau khi tô cực kỳ quan trọng, nó quyết định đến yếu tố nứt chân chim tường hay không? và cả chất lượng tường tô. Sau khi tô tường tùy theo điều kiện thời tiết chúng ta tiến hành tưới nước cho bức tường đã tô trát. Nên tưới tường vào sáng sớm và buổi chiều (ngoài thời gian thi công), nếu thời tiết nắng nóng chúng ta nên tưới cả buổi trưa. Tường tô no nước tạo phản ứng hóa học và đảm bảo chất lượng cho bức tường.
- Đối với tường ngoài chịu tác động thời tiết nhiều và rất khó tưới nước, chúng nên trang bị béc tưới phun sương ( đảm bảo không ảnh hưởng nhà lân cận) với lưu lượng nước vừa phải. Mật độ tưới có thể dày hơn và đảm bảo phủ hết tất cả các vị trí tường tô.
Sử dụng phụ gia giảm thiểu nứt chân chim tường:
- Đối với bức tường ngoài thường chịu tác động nhiều nhất của thời tiết. Nên khả năng bị nứt chân chim tường sẽ cao hơn so với tường trong nhà. Vì vậy, đối với công tác tô trát tường ngoài, nhà thầu nên sử dụng thêm phụ gia kết nối và chống thấm Sika Latex trộn vào vữa theo tỷ lệ phù hợp. Nhằm tăng cường sự kết nối lớp vữa tô cũng như tăng cường chống thấm cho bức tường.
- Ngoài ra, hiện nay trên thị trường có loại phụ gia cho công tác tô tường giúp giữ nước cho vữa, tăng cường độ dính bám, tăng độ dẻo và chống nứt cho vữa. Xây dựng Winta thường sử dụng phụ gia Sothado để trộn vào vữa tô để thực hiện công tác tô trát tường.
Trên đây là những kinh nghiệm thực hiện cho công tác tô trát tường nhằm giảm thiểu rui ro làm cho tường bị nứt chân chim khi đưa vào sử dụng. Nếu anh/ chị có bất kỳ thắc mắc hoặc cần biện pháp xử lý hãy gọi điện cho công ty chúng tôi, hotline: 0763 988 999 . Xây dựng Winta chuyên thiết kế và thi công nhà phố trọn gói tại Lâm Đồng.
Tham khảo thêm: Cách xử lý vết nứt chân chim sàn bê tông